Đã hơn 1 tháng nay, các phương tiện xuất bến qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng đều phải trình phiếu đã nộp rác tại Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Câu chuyện ngư dân “đổi” rác để lấy “giấy xuất bến” ra khơi tưởng như đùa mà có thật và đằng sau đó là ý nghĩa của hoạt động làm sạch trở lại một “điểm nóng” về môi trường…
“Điểm nóng” môi trường
Công suất âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng là 400 tàu nhưng có những thời điểm tiếp nhận hơn 1.000 chiếc vào tránh trú, bán hải sản khiến khu neo đậu trở nên quá tải. Lượng rác thải từ hoạt động của tàu cá, chợ hải sản, các xưởng đóng tàu và khu dân cư xung quanh đã biến âu thuyền thành “túi” đựng rác khổng lồ, ô nhiễm kéo dài. Ven bờ của âu thuyền, người ta bắt gặp rác là túi bóng, hộp xốp hay bất cứ thứ gì không dùng đến đều được “tiện tay vứt” thay vì tập kết ở chỗ quy định. Bởi vậy mà có những chỗ rác dày cả nửa mét. Mặt nước trong âu thuyền thì không lời nào kể hết. Rác, túi bóng, chai nhựa nổi lềnh phềnh.
Trung tá Nguyễn Viết Quý, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết: “Trước đây, rác nhiều đến mức anh em chúng tôi chạy bo bo trong âu thuyền, chỉ tầm 10 phút đã phải dừng lại để tháo rác vướng vào chân vịt. Ngư dân sống trên tàu neo đậu trong âu thuyền không bao giờ có khái niệm cho rác vào túi vứt lên bờ mà xả luôn xuống nước. Thế nên, ngày nào âu thuyền cũng bốc mùi hôi”.
Theo khảo sát, lớp bùn dưới đáy âu thuyền dày gần cả mét, do lâu ngày không được nạo vét triệt để nên bốc mùi hôi. Xung quanh âu thuyền, cảng cá Thọ Quang có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhưng lại không có hàng rào cứng nên việc kiểm tra, giám sát xả thải rác rất khó. Ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang cho biết, mỗi năm đơn vị thu gom khoảng 1.600-1.700 tấn rác thải nhưng chỉ xử lý được một phần.
Trước tình trạng này, thành phố Đà Nãng có chủ trương xã hội hóa, giao đơn vị đủ năng lực thu gom rác, chấm dứt cảnh ô nhiễm môi trường ở âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh miền Trung triển khai trong vòng 3 tháng (từ ngày 9-2 đến 9-5-2021) với kinh phí 1 tỷ đồng để thu gom khoảng 700 tấn rác thải (đất đá, cây…) và rác vớt trên mặt nước (gồm các loại bao ni lông, chai nhựa, xốp) với mục tiêu dứt điểm làm sạch âu thuyền, cảng cá Thọ Quang.
Chung tay tìm lại màu xanh
Suốt hơn 1 tháng qua, cùng với việc thu gom rác làm sạch môi trường âu thuyền, Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết không xả rác để tránh nguy cơ rác thu gom đến đâu, ngư dân lại thải ra đến đấy. Theo đó, trong quãng thời gian sinh hoạt tại âu thuyền, các chủ phương tiện và các thuyền viên phải thu gom rác bỏ vào túi. Trên bờ lúc nào cũng có lực lượng cân, thu gom và cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Những tờ phiếu này được ngư dân cất cẩn thận, bởi Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang sẽ không cho phương tiện xuất bến nếu thiếu “bảo bối” này.
Một ngày của cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang chia làm 3 ca trực là thời gian cao điểm diễn ra phiên chợ hải sản, từ 7 giờ 30 phút – 10 giờ, từ 12 giờ – 17 giờ và từ 23 giờ 30 phút đến 4 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian đó, ngoài việc đảm bảo, giữ gìn an ninh, trật tự, những người lính Biên phòng kết hợp tuyên truyền, vận động cũng như giám sát việc xả thải trái quy định trong âu thuyền, cảng cá.
Việc duy trì môi trường không chỉ “nói chơi” mà đã được “làm thật”. Ngày 18-3-2021, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang phát hiện ông Nguyễn Ven, chủ phương tiện BĐ92132TS xả chất thải ra môi trường. Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang đã lập biên bản và Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Ven 1,5 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Viết Quý cho biết, việc xử lý không chỉ được thực hiện thông qua việc BĐBP thường xuyên tuần tra, kiểm soát, mà Ban quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang cũng theo dõi qua màn hình các camera 360 độ để phát hiện, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Nhà làm việc của Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang ngay sát âu thuyền Thọ Quang. Nếu như trước đây, cửa sổ luôn đóng vì e ngại mùi hôi xộc vào thì nay thường mở cho thoáng. Đứng trên tầng 2, Thiếu tá Nguyễn Duy Linh chỉ tay về phía âu thuyền với mặt nước đã trong xanh trở lại, ven bờ rác được thu gom nên nhìn khá sạch sẽ, anh bảo rằng, đây là sự thay đổi đáng ghi nhận nhưng kéo dài được lâu hay không còn phụ thuộc vào ý thức của nhiều người.
Theo Thiếu tá Nguyễn Duy Linh, việc gì cũng thế, nếu chế tài thưởng – phạt nghiêm minh thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu địa phương xây những bể nước ngọt ngay tại âu thuyền, cảng cá để đổi rác lấy nước ngọt thì tôi nghĩ sẽ chẳng ngư dân nào thải rác xuống âu thuyền nữa và địa phương sẽ tiết kiệm được chi phí nạo vét, thuê nhân công giữ môi trường cho âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. “Hiến kế” của Thiếu tá Nguyễn Duy Linh rất khả thi vì ở một số nơi, cả ở nước ngoài đã có như chương trình đổi rác lấy sách vở và nhu yếu phẩm.
Hôm ấy, trên cầu cảng số 1, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Nuôi, chủ tàu ĐNa90586TS cùng 6 thuyền viên trở về sau chuyến đi biển dài ngày. Điều đặc biệt là khi lên bờ, ông Nuôi cùng các thuyền viên mỗi người xách theo một túi rác khá to. Nhiều người khá ngạc nhiên, hỏi mới đi biển về, rác ở đâu lắm thế, ông Nuôi trả lời: “Rác trong thời gian chúng tôi đi đánh bắt trên biển. Tôi nghĩ từ giờ cũng không nên vứt gì xuống biển nữa. Mỗi lần bão vào, bờ biển Đà Nẵng lại ngập rác, đó chẳng là rác chúng ta vứt xuống biển hay sao?”. Câu nói của lão ngư Nuôi khiến những người xung quanh ai nấy cũng phải suy nghĩ. Điều ông Nuôi không sai và có lẽ cũng đã đến lúc ngư dân phải biết bảo vệ môi trường biển như chính cuộc sống của mình.
Trúc Hà – https://www.bienphong.com.vn/