Lý do nào để một thứ vũ khí tưởng chừng như đơn giản như AK-47 lại trở thành một huyền thoại trong chiến tranh Việt Nam và là biểu tượng của các cuộc cách mạng trên thế giới.

Một trong những vũ khí tốt nhất thế kỷ 20

AK-47 hay súng trường tự động Kalashnikov được hoàn thiện năm 1947 từ lâu đã là loại vũ khí cá nhân phổ biến nhất trên thế giới và gần như xuất hiện trong mọi cuộc chiến tranh từ thập niên 50 của thế kỷ 20 cho đến nay.

Được nghiên cứu và chế tạo từ năm 1945 bởi Mikhail Kalashnikov, một người lính xe tăng có niềm đam mê với cơ khí, AK-47 đã chứng tỏ tính hiệu quả và uy lực của mình khi hiện nay vẫn được trang bị chính thức cho quân đội hơn 50 quốc gia trên thế giới và chắc chắn sẽ còn được sử dụng thêm vài chục năm tiếp theo.

Là súng trường tấn công đầu tiên trong họ các súng AK, AK-47 có thể gọi là nền tảng để Liên Xô (sau này là Nga) nghiên cứu và phát triển thành các biến thể hiện đại hóa như: АKM, RPK, AK-74, RPK-74, AN-94, AK-103, AK-107, AK-12, RPK-16,…

Súng AK-47 và người chế tạo – Mikhail Kalashnikov

Các biến thể này gần như vẫn giữ nguyên hình dáng của khẩu AK-47 nhưng được nâng cấp bằng vật liệu nhẹ với công nghệ chế tạo hiện đại hơn, các chi tiết cũng được thiết kế tốt hơn cho người sử dụng.

Đặc biệt những biến thể mới có thể trang bị thêm các phụ kiện như kính ngắm chấm đỏ, kính ngắm quang học, súng phóng lựu kẹp nòng, nòng giảm thanh,….

AK-47 cũng là nguồn cảm hứng và là nguyên mẫu để nhiều quốc gia khác sáng tạo ra những mẫu súng của mình như Galil (Israel), Rk-62 (Phần Lan), Kbs wz. 1996 Beryl (Ba Lan), Zastava M21 (Serbia), K-56 (Trung Quốc)… Thậm chí một số thiết kế súng của khối NATO như Sig SG 540 cũng được coi là chịu ảnh hưởng của loại vũ khí Liên Xô này.

Tuy được chính thức hoàn thiện và đưa vào trang bị cho quân đội Liên Xô từ năm 1949, nhưng có lẽ súng AK-47 đã trở nên đặc biệt nổi tiếng khi được sử dụng bởi những người lính Việt Nam trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chiến sĩ Biên phòng trang bị súng AKMS tham gia bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019.

Vũ khí biểu tượng của chiến tranh Việt Nam

Hình ảnh người lính Giải phóng với khẩu súng AK-47 đã trở thành hình ảnh biểu tượng cho các lực lượng cách mạng trên thế giới từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và là cơn ác mộng của những binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Có nhiều lý do để khẩu súng này có thể thành công như thế trước các loại vũ khí hiện đại, tinh xảo khác của phương Tây, đặc biệt trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt như sau:

– Thiết kế đơn giản: AK-47 có cấu tạo không quá phức tạp, các chi tiết có “độ rơ” nhất định khiến nó không đòi hỏi quy trình sản xuất quá chính xác. Các vật liệu chế tạo cũng rất dễ kiếm và “rẻ tiền”. Nhờ đó AK-47 có thể được sản xuất với số lượng rất lớn và được trang bị cực kỳ phổ biến ngay cả với những đội quân “không giàu có”.

Trong giai đoạn cuối thập niên 60, Quân Giải phóng đã được trang bị khá phổ biến AK-47, trong khi nhiều đơn vị của đối phương vẫn sử dụng M14, loại súng kém hiện đại hơn nhiều.

– Độ bền vô đối: Những khẩu súng M16 được quân đội Mỹ và các nước đồng minh sử dụng có trọng lượng nhẹ và chi tiết tinh xảo, hệ thống trích khí phức tạp khiến nó rất dễ hỏng hóc khi sử dụng trên chiến trường.

M16 bị đánh giá là thường xuyên kẹt đạn, kể cả khi đã vệ sinh thường xuyên, không thể bắn ngay sau khi bị ngâm dưới nước và rất nhiều vấn đề khác khi chiến đấu.

Ngược lại, tại một chiến trường nhiệt đới khắc nghiệt như Việt Nam với các cơn mưa lớn, sông suối, bùn lầy, những khẩu AK-47 lại thể hiện hoàn toàn khác hẳn.

Gần như không bị kẹt đạn, có thể bắn ngay sau khi ở dưới nước, dưới bùn. Đặc biệt, chỉ cần những công cụ đơn giản cũng có thể sửa chữa súng và thay thế các chi tiết bằng gỗ nếu bị hỏng trong chiến đấu.

– Sức công phá kinh ngạc: Khác với loại đạn cỡ 5,56mm của súng M16 thường có độ xuyên thấp, đạn 7,62mm được sử dụng trên súng AK-47 có độ xuyên phá và sát thương rất cao, giúp nó có thể dễ dàng xuyên qua lớp áo chống mảnh được quân đội Mỹ sử dụng và thậm chí những thân cây, những lớp giáp thép mỏng để sát thương binh lính.

Nếu trên chiến trường Việt Nam, quân đội Mỹ có thể làm chủ bầu trời, có lực lượng tăng thiết giáp mạnh nhưng khi bộ binh Mỹ đối đầu với những khẩu súng AK-47 thì đó vẫn là một cơn ác mộng kinh hoàng.

– Tốc độ bắn hợp lý: Chiến tranh Thế giới thứ Nhất là cuộc chiến đầu tiên xuất hiện các loại vũ khí bắn nhanh cầm tay, một sự khác biệt hoàn toàn so với những khẩu súng trường lên đạn thủ công thời bấy giờ.

Những khẩu súng trường trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã có bước tiến mới với những khẩu súng trường bán tự động, giúp người lính tăng tốc độ xạ kích và giảm công sức lên đạn.

Cho đến trước chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ vẫn tin tưởng vào một loại súng trường bán tự động là M14, loại súng kế thừa sự thành công của M1 Garand – khẩu súng đã mang lại ưu thế rất lớn cho bộ binh Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Tuy nhiên, loại súng này đã trở nên yếu thế trước AK-47 do tốc độ bắn chậm hơn, quá giật khi bắn liên thanh và nặng nề.

Khẩu M16 được coi là giải pháp hoàn hảo để thay thế M14 khi kết hợp giữa hỏa lực của M14, độ giật nhẹ và tốc độ bắn cao của M2 Carbine để tạo ra một khẩu súng cân bằng và sẽ đem lại ưu thế cho binh lính Mỹ trước những khẩu AK-47 của Quân Giải phóng.

Tuy nhiên, M16 có tốc độ bắn quá cao (có thể lên đến 900 phát/phút) khiến băng đạn 20 viên của khẩu súng này gần như vô dụng.

Người lính thường xuyên phải mang một lượng đạn lớn và thay đạn liên tục trong quá trình chiến đấu. Tuy quân đội Mỹ có thể bù đắp được yếu tố này bằng năng lực hậu cần siêu hạng nhưng đây vẫn là điểm yếu chết người.

Ngược lại, AK-47 lại phù hợp với các đội quân du kích, những người lính thường xuyên chiến đấu độc lập, không được hỗ trợ bởi lực lượng hậu cần đông đảo.

Ngoài ra, khi chiến đấu, người lính thường được dạy siết cò để bắn 2- 3 viên đạn 1 lúc nên tốc độ bắn cực nhanh của M16 cũng không phải là ưu thế trước tốc độ 600 phát/phút của AK-47 mà còn khiến nó tiêu tốn đạn nhanh hơn.

Với những ưu thế trên, AK-47 đã giúp Quân Giải phóng có thể đối đầu một cách sòng phẳng với một đội quân được đánh giá là mạnh hơn rất nhiều lần.

Đến nay, dù một số loại súng mới đã được quân đội ta trang bị thay thế dần cho AK-47 như Tavor, Galil hay STV nhưng AK-47 và biến thể AKM vẫn là trang bị chủ lực cho các chiến sĩ thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam và còn duy trì trong tương lai xa.

Và không chỉ ở Việt Nam, AK-47 cũng đã trở thành biểu tượng của các lực lượng cách mạng tại khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Thậm chí, khẩu súng huyền thoại này còn xuất hiện trên quốc kỳ, quốc huy của một số quốc gia như Đông Timor, Mozambique, Burkina Faso, Zimbabue.

Có thể nói, AK-47 đã trở thành một vũ khí huyền thoại của thế kỷ 20 và vẫn sẽ là vũ khí quan trọng trong thế kỷ 21 của nhiều quốc gia, các biến thể của nó cũng sẽ tiếp nối các ưu điểm của nó để trở thành vũ khí chủ đạo trong tương lai xa hơn nữa.

Nguồn SOHA