Làng quê với hình ảnh ông ngồi chõng tre kể chuyện cho cháu, bà đan chổi dưới sân, mẹ băm bèo… hiện lên trong tranh Trần Nguyên.

Cuối tháng 9, Trần Nguyên đăng loạt tranh anh sáng tác lên một diễn đàn về cuộc sống thôn dã, nhận 2.000 lượt thích, 400 lượt chia sẻ. Tài khoản Oanh Nguyễn bình luận: “Tranh quá đẹp, mỗi bức đều mang đậm hồn quê”. Nhiều người nói họ được trở về tuổi thơ khi xem tranh nhưng man mác buồn vì làng quê giờ đổi thay, không còn vẻ thanh bình xưa cũ.

Họa sĩ hạnh phúc vì được nhiều người đồng cảm. Anh nói: “Tôi nghĩ khi chúng ta trưởng thành, chật vật mưu sinh giữa thành phố toàn bê tông cốt thép, khi nhìn thấy những bức tranh ghi lại kỷ niệm tuổi thơ, ai cũng cảm thấy nhẹ lòng. Tôi muốn dùng hội họa để lưu giữ ký ức làng quê Việt Nam một thời, với mong muốn thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống ông bà, bố mẹ ta từng trải qua”.

Trần Nguyên bắt đầu sáng tác mảng đề tài thôn quê từ hai năm trước. Trước dịch, anh dành nhiều thời gian vi vu ở những làng cổ như Đường Lâm, Cự Đà để lấy cảm hứng. Gặp khung cảnh đẹp, anh liền chụp lại hoặc trực họa để làm tư liệu. Anh thường mất khoảng hai tuần lên ý tưởng rồi mới vẽ tranh hoàn chỉnh. Khó khăn của anh khi theo đuổi dòng tranh thôn quê là phong cảnh mẫu đang dần mai một, không còn nguyên trạng. Khi đi thực tế, anh thường phải hỏi người dân địa phương, đọc tư liệu để chắp nối các chi tiết, tạo thành bối cảnh hoàn chỉnh.
Nhiều sáng tác anh lấy cảm hứng từ chính căn nhà gia đình từng sống ở Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định). Khi còn nhỏ, bố mẹ đi làm xa nên Trần Nguyên được ông bà nội chăm sóc. Họa sĩ tâm đắc nhất bức Khoảng sân trước nhà, vẽ cảnh người ông ngồi trên chõng tre, đưa quà chiều cho cháu. Sân nhà chất đầy chum, vại, các loại rau, củ khô. Trong bức Ký ức về bà, anh vẽ bà mặc áo cánh, vấn khăn, ngồi phơi sắn dây trong khoảng sân đầy nắng. Trần Nguyên dành nhiều thời gian chăm chút chi tiết giàn mướp, bể nước, sân gạch, đống rơm, bóng nắng đổ. Bức Sớm mai của mẹ đặc tả hình ảnh mẹ giặt quần áo bên giếng nước bám đầy rêu, xa xa bố đang chuẩn bị đưa con đi học. Anh bùi ngùi vì làng quê Việt Nam giờ thay đổi nhiều, ngôi làng, căn nhà anh từng ở cũng đã hiện đại hóa, không còn nét cổ kính xưa.

Tác phẩm “Sớm mai của mẹ” được vẽ bằng chất liệu sơn dầu.

Để tạo khác biệt nhiều họa sĩ theo đuổi dòng tranh nông thôn, Trần Nguyên đưa vào tác phẩm những kỷ niệm tuổi thơ, gắn với ký ức nhiều thế hệ như gánh hàng rong, quán nước, sạp chè ven đường… Trong tranh của anh, ngôi nhà ba gian, giếng nước, đường làng lát gạch, giàn hoa – đặc trưng ở vùng quê Bắc bộ – hiện lên với nét vẽ giản dị. Anh cho biết luôn chọn góc nhìn, cách khai thác mới mẻ để không bức tranh nào trùng lặp nhau.

Những ngày giãn cách, Trần Nguyên ở trong căn nhà tại Hà Nội, tập trung sáng tác. Anh nói “cuồng chân cuồng tay” sau hơn hai tháng không được lên xe máy, rong ruổi tìm bối cảnh. Thời gian tới, anh dự định khảo sát thực tế ở các vùng Trung, Nam bộ, lưu giữ vẻ đẹp thôn quê ở cả ba miền đất nước. Các bức tranh của anh hiện tại thiên về miêu tả phong cảnh, anh muốn khắc họa sâu hơn sinh hoạt, lao động của người nông dân. Họa sĩ cũng mới tìm thấy niềm vui ở đề tài vẽ sen. Không chỉ thỏa đam mê, qua các diễn đàn, Trần Nguyên kết nối được với nhiều nhà sưu tập, người yêu hội họa. Đến nay, anh đã bán hơn 40 bức tranh làng quê.

Họa sĩ Trần Nguyên.

Trần Nguyên sinh năm 1990 trong gia đình thuần nông, không có ai theo nghệ thuật. Anh mê vẽ từ nhỏ, thi đỗ ngành thiết kế mỹ thuật, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ra trường, anh từng làm đồ họa ở công ty game của Nhật Bản nhưng sau đó xin nghỉ vì không tìm thấy niềm vui công việc. Hiện anh hài lòng với việc vẽ tự do, dự định mở triển lãm riêng thời gian tới.